Windows 10 cập nhật nhiều tính năng cho doanh nghiệp

  TMTgroup

  02/05/2018

  0 nhận xét

Timeline, chia sẻ qua Bluetooth và tính năng “do not disturb” được nâng cấp là những điểm nổi bật trong bản cập nhật Windows 10 mới nhất - Spring Creators Update.

Microsoft gần đây đều đặn mỗi năm tung ra hai bản nâng cấp lớn cho Windows 10. Phiên bản Windows 10 mới nhất, được biết với tên mã Redstone 4, sẽ có tên chính thức là “Spring Creators Update”, dự kiến ra mắt vào tháng 4/2018, tiếp theo bản “Fall Creators Update” phát hành hồi tháng 10/2017; trước nữa là bản Creators Update ra mắt vào tháng 4/2017.

Khi thực hiện bài viết này, Spring Creators Update chưa được phát hành chính thức, nhưng dựa vào những bản Windows 10 xem trước mới nhất, được đánh số 1803 (theo định dạng yymm mà Microsoft sử dụng để xác định thời gian phát hành) chúng ta đã có thể biết những tính năng quan trọng trên Windows 10 mà người dùng doanh nghiệp và các chuyên viên CNTT nên chú ý.

Timeline đưa bạn trở lại nơi đã rời khỏi

Tính năng mới Timeline là một phần của công cụ Task View và chụp ảnh nhanh màn hình các hoạt động của bạn trong nhiều ứng dụng Windows theo thời gian – những tài liệu bạn đang làm việc, các trang web bạn đã ghé thăm… Sau khi loạt ảnh chụp màn hình đã được lưu lại bởi Timeline, bạn có thể nhấn vào biểu tượng Task View (bên phải nút Start hay hộp tìm kiếm Cortana trên thanh taskbar) và cuộn dọc ngược thời gian qua các thumbnail (hình thu nhỏ) biểu thị các hoạt động trước đó, hoặc sử dụng hộp tìm kiếm để tìm một hành động cụ thể. Nhấp vào một thumbnail bất kỳ, ứng dụng và nội dung thích hợp sẽ được mở lại.

Sử dụng Timeline, bạn có thể mở một ảnh chụp màn hình để quay lại tiếp tục công việc đang dở dang. Thậm chí, có thể thực hiện điều đó trên một PC Windows 10 khác mà bạn đăng nhập cùng một tài khoản người dùng trực tuyến Microsoft của mình. Bạn có thể bắt đầu soạn một tài liệu trong ứng dụng Word trên máy tính ở nhà, và sau đó làm tiếp với máy tính ở văn phòng cơ quan.

Lưu ý rằng Timeline chỉ chụp màn hình các ứng dụng Windows hỗ trợ tính năng này, chẳng hạn trình duyệt Edge và các ứng dụng trong bộ Microsoft Office. Microsoft đang khuyến khích các nhà phát triển ứng dụng nâng cấp sản phẩm của họ để hỗ trợ Timeline.

Xem và xử lý dữ liệu chẩn đoán của Microsoft

Nếu bạn quan tâm tới quyền riêng tư trong môi trường Windows 10, hãy dùng Diagnostic Data Viewer để xem những thông tin chẩn đoán mà hệ thống thu thập và gửi cho Microsoft. Công cụ này cũng cho biết thông tin về phần cứng máy tính bạn đang dùng mà nó lưu trên đám mây của Microsoft. Tất cả được trình bày dưới dạng văn bản thuần và có thể tìm kiếm từ hộp tìm kiếm trong công cụ.

Nếu Windows 10 của bạn chưa có công cụ này thì có thể tải về bằng cách truy cập ứng dụng Settings rồi chọn Privacy > “Diagnostics & feedback”, và kích hoạt tùy chọn “Diagnostic data viewer”. Nút  “Diagnostic Data Viewer” sẽ sáng lên và bạn nhấn vào để khởi chạy ứng dụng Microsoft Store, từ đây bạn có thể tài về công cụ và cài đặt.

Ngoài ra, tại màn hình Settings > Privacy > “Diagnostics & feedback”, bạn sẽ thấy một tùy chọn xóa toàn bộ dữ liệu chẩn đoán mà Microsoft đã thu thập từ thiết bị của bạn.

Chia sẻ tập tin qua Bluetooth

Tính năng mới Near Share cho phép bạn gửi các tập tin qua Bluetooth giữa các PC Windows 10 hỗ trợ Bluetooth để cạnh nhau, rất tiện cho bạn chia sẻ nhanh nội dung với người khác khi dùng laptop ở nơi không có Wi-Fi. Dĩ nhiên chúng phải có Near Share (tích hợp từ bản Redstone 4 Build 17035) và tính năng này đang được kích hoạt.

Near Share chỉ hoạt động cùng các ứng dụng Windows hỗ trợ chia sẻ nội dung, như Photos và Edge. Trong các ứng dụng này, khi nhấn vào nút “Share”, PC Windows 10 gần bên đang bật Near Share sẽ xuất hiện trong danh sách thiết bị có thể chia sẻ của menu Share. Và bạn dễ dàng gửi ảnh đang xem trong ứng dụng Photos hay đường dẫn URL của trang web đang duyệt trong Edge cho PC Windows 10 bên cạnh.

Bằng cách như vậy bạn cũng có thể gửi một file bất kỳ từ File Explorer cho PC Windows 10 khác. Chỉ việc nhấn chuột phải lên file, chọn Share và tiếp tục như trên.

Near Share không được kích hoạt mặc định, nên để sử dụng bạn và đối tác phải tự kích hoạt. Nhấn vào biểu tượng Action Center nằm cuối cùng bên phải trên taskbar, và nhấn vào nút “Near Share” trên bảng điều khiển mới trượt ra.

 

Công cụ Diagnostic Data Viewer cho bạn thấy thông tin chẩn đoán phần cứng mà Windows 10 gửi cho Microsoft.
Các chức năng “do not disturb” nâng cao

 

Tính năng Quiet Hours mang tên mới, gọi là Focus Assist, và một giao diện bạn có thể truy cập từ ứng dụng Settings, nằm trong System > Focus assist. Tại đây bạn có thể đặt ra các qui tắc không muốn bị làm phiền.

Focus Assist có ba thiết lập chính: tắt Turning Focus Assist sẽ cho phép mọi thông báo từ các ứng dụng và liên lạc của bạn. Chọn “Alarms only” để ẩn mọi thông báo ngoại trừ báo thức. Trong chế độ “Priority only”, hệ thống chỉ hiện những thông báo đã chọn từ danh sách ưu tiên của bạn (quyền ưu tiên có thể được gán cho các ứng dụng, liên lạc cụ thể trong danh bạ, hoặc những hoạt động trên điện thoại Android đã cài ứng dụng Cortana). Bạn cũng có thể kiểm soát khi nào không muốn bị làm phiền bởi các thông báo ưu tiên này: trong một khoảng thời gian, khi bạn ở một nơi cụ thể (chẳng hạn ở nhà), hoặc khi PC của bạn đang hoạt động trong chế độ xuất thông tin ra màn hình khác (như lúc trình chiếu).

Bạn có thể chuyển đổi giữa ba thiết lập chính của Focus Assist bằng cách nhấn chuột phải lên biểu tượng Action Center trên taskbar và chọn từ menu bật lên.

Bổ sung và thay đổi trong ứng dụng Settings

Microsoft tiếp tục đưa vào ứng dụng Settings một số thiết lập và chức năng từ những nơi khác của giao diện người dùng Windows cũ.

Trước tiên là kiểm soát các ứng dụng tự khởi động. Trước đây, nếu bạn muốn chặn không cho  một ứng dụng nạp ngay từ đầu cùng Windows và sau đó chạy nền thì thiết lập với công cụ Task Manager. Bây giờ bạn có thể thiết lập trong ứng dụng Settings, tại Apps > Startup. Cách thức mới này đơn giản và trực quan hơn: chỉ việc gạt sang “Off” bên cạnh tên ứng dụng bạn không muốn tự động nạp khi Windows khởi động.

Tổ chức Fonts trước đây thuộc Control Panel, nay đã có trong ứng dụng Settings, tại Personalization > Fonts. Các ví dụ về font chữ đã được cài trong máy hiển thị lớn và rõ ràng hơn. Tại màn hình này bạn có thể nhấn vào “Get more fonts in the Store” để cài thêm font từ kho ứng dụng Microsoft Store.

Chức năng của công cụ dọn dẹp ổ đĩa Disk Cleanup cũng được đưa vào ứng dụng Settings, tại System > Storage > Free up space now. (Bạn vẫn có thể truy cập Disk Cleanup như trước đây. Trong màn hình File Explorer, nhấn chuột phải lên một ổ đĩa của PC và chọn tiếp Properties, rồi nhấn nút “Disk Cleanup”).

Windows Defender, bộ công cụ bảo mật tích hợp sẵn trong Windows 10, đã được đổi tên thành “Windows Security”. Nó nằm trong Update & Security > Windows Security của ứng dụng Settings.

Cải tiến giao diện người dùng

My People, Edge và Cortana là ba tính năng quan trọng hàng đầu của Windows 10, và chúng  tiếp tục được Microsoft nâng cấp.

My People xuất hiện lần đầu cùng bản Fall Creators Update phát hành năm 2017. Tính năng này cho phép bạn ghim danh sách liên lạc của email và Skype dưới dạng các biểu tượng shortcut trên taskbar, và bạn nhấn vào là lập tức mở ra trình đơn liên lạc – chẳng hạn, gửi email bằng ứng dụng Windows 10 Mail hoặc khởi tạo một cuộc gọi video qua Skype. Trước đây hệ thống chỉ hỗ trợ ghim tối đa 3 địa chỉ liên lạc lên taskbar, bây giờ số lượng đã nâng lên 10. Giao diện mới cho phép bạn kéo và thả để sắp xếp lại danh sách này.

Trong trình duyệt Edge, có một nút xem toàn màn hình trên thanh công cụ, nằm ngay trên một ebook định dạng EPUB, PDF, hoặc một trang web hiển thị trong chế độ “reading view” của trình duyệt. Trình quản lý các trang ưa thích – Favorites, có giao diện tiện cho bạn tổ chức các bookmark hơn.

Với Cortana, màn hình tìm kiếm của mục Notebook có thêm thẻ Organizer mới hiện lên cho bạn thấy danh sách và lời nhắc ở dạng dễ xem hơn. Tính năng Collections của Cortana, khuyến nghị những đường link để bạn lưu và nhóm lại cùng nhau khi duyệt web bằng Edge, bây giờ là một phần của tính năng Lists dưới thẻ Organizer này.

 

Để ngăn không cho ứng dụng tự động nạp cùng quá trình Windows 10 khởi động, bạn chỉ việc gạt nút trượt sang Off.
Khôi phục mật khẩu tài khoản cục bộ trên Windows 10

 

Nếu bạn dùng tài khoản cục bộ để đăng nhập Windows 10, bạn có thể kích hoạt chế độ khôi phục mật khẩu đó. Mở ứng dụng Settings rồi chuyển tới Accounts > Sign-in Options và nhấn vào “Update your security questions”. Điền các câu trả lời cho ba câu hỏi ở đây. Về sau, nếu bạn quên mật khẩu đăng nhập Windows 10, trả lời đúng cả ba câu hỏi hệ thống sẽ cho phép bạn tạo lại mật khẩu đăng nhập.

Thêm lệnh Linux

Cửa sổ dòng lệnh Command Prompt giờ đây hỗ trợ một số lệnh Linux. Trong thư mục C:\Windows\System32\ có các tập tin curl.exetar.exe là công cụ Curl và tar để tải về và giải nén tập tin .tar. Lệnh wslpath mới sẽ chuyển đổi một đường dẫn thư mục Linux thành phiên bản Windows của nó. Nhiều bổ sung khác đáp ứng nhu cầu của các chuyên gia thích dùng dòng lệnh Linux trong môi trường Windows 10.

Quản lý băng thông trong Group Policy

Group Policy có thêm một số tùy chọn để các quản trị viên kiểm soát băng thông cho Windows Update và các ứng dụng Windows tự động cập nhật. Trong đó có lựa chọn giảm bớt băng thông vào một khoảng thời gian cụ thể trong ngày. Để truy cập các thiết lập này, khởi chạy Group Policy Editor và chuyển tới nhánh Computer Configuration > Administrative Templates > Windows Components > Delivery Optimization.

Group Policy có nhiều lựa chọn cho bạn điều chỉnh lượng băng thông sử dụng bởi Windows Update và các ứng dụng Windows.

Windows 10 Fall Creators Update (version 1709), ra mắt tháng 10/2017, cũng có một số tính năng chạy ngầm đáng chú ý – một số là tính năng mới, một số mới sửa đổi, và nhiều tính năng liên quan đến bảo mật. Dưới đây là những cải tiến mà người dùng doanh nghiệp và các chuyên viên CNTT nên biết.

Quản lý tập tin trên OneDrive tốt hơn

Trong các phiên bản Windows 10 trước đây, OneDrive xuất hiện như một thư mục (folder) trong File Explorer. Khi bạn lưu các tập tin vào thư mục OneDrive sau khi đã đăng nhập vào Windows 10 bằng tài khoản Microsoft, chúng sẽ được tải lên mây, và sẽ tự động tải về một PC Windows 10 khác khi bạn đăng nhập cùng tài khoản.

Điều này tiện cho bạn làm việc mọi nơi, nhưng việc đồng bộ  tự động có thể gây phiền hà khi kết nối Wi-Fi chập chờn hoặc bạn dùng máy còn ít dung lượng lưu trữ trống. Bạn có thể chọn chỉ cho phép đồng bộ một số thư mục trong OneDrive, nhưng những thư mục còn lại không xuất hiện trong File Explorer, và việc truy cập tập tin thuộc những thư mục đó hơi tốn công: nhấn chuột phải vào biểu tượng OneDrive trên taskbar và chọn “View online” từ thực đơn bật lên; trình duyệt mặc định lúc này sẽ mở ra OneDrive của bạn.

OneDrive trong bản Fall Creators Update có một tính năng gọi là OneDrive Files On-Demand tiện cho việc truy cập tập tin trong OneDrive. Nó cho phép bạn thiết lập OneDrive nhờ vậy sẽ không buộc phải đồng bộ các tập tin lưu trên mây của Microsoft tới thiết bị chạy Windows 10 mà bạn đang sử dụng, và bạn không phải khởi chạy trình duyệt để truy cập các tập tin online.

Thay vào đó, có các lối tắt ứng với mỗi tập tin online trong thư mục OneDrive của bạn trên File Explorer, nhưng theo mặc định các tập tin này chưa ở trên thiết bị bạn đang sử dụng. Nếu bạn nhấp đúp vào một lối tắt trong số đó, tập tin tương ứng sẽ được tải về máy. Bạn có thể đổi tập tin đã tải về trở lại thành tập tin chỉ xem online bằng cách nhấn chuột phải lên nó và chọn “Free up space”. Và bạn có thể đáng dấu các tập tin cụ thể luôn được đồng bộ, “Always keep on this device”, nếu bạn muốn truy cập chúng bất cứ lúc nào, dù có mạng hay không.

OneDrive Files On-Demand rất hữu ích trong việc tiết kiệm băng thông cho các nhóm cộng tác sử dụng SharePoint Online khi làm việc với những tập tin kích thước lớn.

Bảo vệ theo cơ chế an ninh EMET

Được giới thiệu lần đầu vào năm 2009, bộ công cụ Enhanced Mitigation Experience Toolkit (EMET) miễn phí của Microsoft giúp nhận diện các lỗ hổng bảo mật trên Windows và ngăn cản mã độc khai thác tấn công. EMET chủ yếu dành cho môi trường doanh nghiệp và nhiều năm qua là công cụ quan trọng cho các chuyên gia CNTT trong việc bảo vệ máy tính người dùng. Nhưng với Windows 10, Microsoft bắt đầu đưa nhiều công cụ bảo mật tốt hơn vào hệ điều hành. Hãng tung ra các bản cập nhật lớn thường xuyên hơn, và khuyến khích các khách hàng của mình chuyển sang hệ điều hành mới thay vì sử dụng EMET trên những phiên bản Windows cũ. Mặc dù bạn vẫn có thể cài và chạy EMET trên Windows 10, Microsoft đã quyết định dừng hỗ trợ công cụ này kể từ sau ngày 31/7/2018.

Tuy nhiên, nhiều biện pháp bảo vệ của EMET đã được tái sinh trong bản Fall Creators Update như Windows Defender Exploit Guard. Nó là một phần của Windows Defender Advanced Threat Protection – dịch vụ bảo mật doanh nghiệp của Microsoft. Với sự hiện diện của Exploit Guard, các mối đe dọa kiểu như macro Office nguy hiểm hay website lây nhiễm mã độc sẽ bị chặn.

Windows Defender Security Center, trung tâm bảo mật tất cả trong một được giới thiệu từ bản Windows 10 Creators Update, cũng được nâng cấp trong Fall Creators Update bao gồm trong đó khả năng bảo vệ kiểu EMET.

 

OneDrive Files On-Demand cho phép bạn xem online các tập tin mà không cần tải về trừ khi bạn muốn.
Bảo vệ chống Ransomware

 

Những loại siêu mã độc tống tiền như WannaCry lây lan với tốc độ chóng mặt trong trận dịch gần đây đã gieo rắc kinh hoàng cho toàn thế giới. Mặc dù hầu hết các hệ thống bị ảnh hưởng đều đang chạy các phiên bản Windows cũ hơn, nhưng Microsoft vẫn tăng cường khả năng bảo vệ chống lại ransomware cho Windows 10.

Một tính năng mới trong Fall Creators Update được thiết kế để chặn những mã độc như vậy bằng cách khóa các tập tin cá nhân của người dùng. Windows Defender Security Center có một nút gạt On/Off gọi là “Controlled folder access”. Khi bật On, chỉ những ứng dụng trong danh sách cho phép mới có thể truy cập và thay đổi các tập tin trong các thư mục Desktop, Documents, Music, Pictures và Videos. Một ứng dụng chưa được chấp thuận nếu truy cập các thư mục này sẽ bị từ chối và Windows 10 sẽ phát cảnh báo.

Bảo vệ máy ảo cho Edge

Windows Defender Application Guard for Microsoft Edge là một tính năng bảo mật mới trong Fall Creators Update nhằm giữ cho máy tính an toàn trước các cuộc tấn công zero-day và phần mềm độc hại khác. Nó chỉ có sẵn trong các máy tính chạy Windows 10 Enterprise Edition và Hyper-V.

Với Application Guard được kích hoạt, trình duyệt Edge chạy bình thường khi người dùng chuyển tới một trang đáng tin cậy như một ứng dụng nội bộ. Nhưng khi người dùng chuyển tới một trang không đáng tin cậy hoặc không xác định, Application Guard sẽ khởi chạy Edge trong một máy ảo (VM) bị cô lập (các trang đáng tin cậy và thiết lập bảo mật liên quan có thể do quản trị viên lập ra). Nhờ vậy, mã độc khó có thể gây hại máy tính hoặc mạng nội bộ thông qua Edge.

Khi người dùng kết thúc phiên trình duyệt Edge, vùng chứa VM sẽ được giải phóng và mọi mã độc trong đó bị loại bỏ.

Liên lạc bằng một cú nhấp chuột

My People được cho là sẽ xuất hiện trong Creators Update, nhưng phải đến bản Fall Creators Update mới được tích hợp vào hệ điều hành. Giao diện liên lạc này tiện cho phép bạn giao tiếp nhanh với những người trong danh bạ qua biểu tượng ghim trên taskbar (bạn được ghim tối đa 3 biểu tượng như thế). Chỉ việc nhấn vào biểu tượng của người đã được ghim sẵn là có thể thực hiện ngay email, chat bằng tin nhắn tức thời hay gọi video cho người đó.

My People hỗ trợ các ứng dụng Windows 10 gồm People, Mail, và Skype; khi bạn khởi đầu, nó sẽ làm nổi lên những người đang dùng những ứng dụng này trong danh sách liên lạc của bạn. Để kích hoạt My People lần đầu, chạy ứng dụng People; để truy cập My People, nhấn vào biểu tượng của nó trên taskbar.

Khắc phục nhanh ứng dụng desktop hiện chữ mờ

Đôi khi một ứng dụng desktop cũ hiển thị nội dung trên một màn hình lớn có độ phân giải cao, văn bản và đồ họa bị mờ. Và nhiều ứng dụng desktop gặp hiện tượng như vậy sau khi người dùng gắn hay gỡ laptop ra khỏi đế mở rộng (dock), di chuyển một cửa sổ ứng dụng giữa các màn hình với độ phân giải khác nhau, hoặc điều khiển từ xa một thiết bị từ một thiết bị khác với độ phân giải hiển thị khác nhau.

Trong những trường hợp như vậy, để ứng dụng hiện nội dung rõ ràng bạn thường phải khởi động lại Windows. Vấn đề với các ứng dụng cũ trên màn hình độ phân giải cao đôi khi có thể khắc phục bằng cách tinh chỉnh thủ công bằng thiết lập Compatibility cho ứng dụng có vấn đề, nhưng Windows đôi khi yêu cầu khởi động lại để những thay đổi có tác dụng. Nói chung là bất tiện và làm giảm năng suất của người dùng.

Fall Creators Update giúp bạn giải quyết vấn đề này để không bị ảnh hưởng năng suất. Bạn chỉ cần đóng ứng dụng desktop và nạp lại là ổn. Dù vậy, cần lưu ý rằng tính năng này có lẽ không có tác dụng với mọi ứng dụng desktop, và nó vô tác dụng với những ứng dụng hiển thị bị mờ trên màn hình thứ hai được thiết lập như là màn hình mở rộng cho màn hình chính.

Theo dõi GPU trong Task Manager

Task Manager, một công cụ lâu đời để khắc phục sự cố và xử lý các vấn đề trong Windows có thêm một thủ thuật mới trong Fall Creators Update: Nó cho thấy tình trạng của bộ xử lý đồ họa (GPU) của máy với thẻ Performance. Công cụ này cũng cho biết dung lượng bộ nhớ GPU và mức sử dụng hiện thời, phiên bản driver, phiên bản DirectX mà nó đang chạy, và card đồ họa của máy.

Các ứng dụng dùng để xem hay tạo nội dung đồ họa phong phú – như các bản trình chiếu động, video, và các tài liệu hoặc bảng tính với biểu đồ 3D -  có thể dựa vào GPU, và có thể kiểm tra trạng thái của nó giúp chẩn đoán các vấn đề với hiệu suất tổng thể của máy.

 

Trong Windows Defender Security Center có phần “Controlled folder access” bao gồm một nút gạt On/Off cho phép bạn hạn chế những ứng dụng có thể truy cập và thay đổi các file lưu trên những thư mục được bảo vệ.
Giới hạn băng thông dành cho Windows Update

 

Tính năng này hữu ích cho người quản trị mạng: khả năng giới hạn lượng băng thông Windows Update có thể sử dụng để tự động tải về các bản cập nhật cho Windows 10, hay chia sẻ các tập tin cập nhật với các máy tính khác trong mạng nội bộ hay có mặt trên Internet.

Các tùy chọn nằm trong ứng dụng Settings, tại Update & Security > Windows Update > Advanced options > Delivery Optimization > Advanced options, với các thanh trượt cho phép bạn chỉnh lượng dữ liệu băng thông mà Windows Update có thể dùng trong quá trình tải xuống và tải lên (từ 5% tới 100%), và tổng dung lượng dữ liệu mà Windows Update có thể tải lên mỗi tháng (từ 5GB tới 500GB).

Giảm hiệu suất ứng dụng chạy nền

Để kéo dài thời lượng pin của laptop và các thiết bị di động khác chạy Windows 10, Fall Creators Update giảm bớt sự sử dụng hệ thống của các ứng dụng chạy nền. Nếu người dùng đang tương tác với một ứng dụng hoặc nếu một ứng dụng như trình chiếu video đang chạy, hiển thị trên màn hình, Windows sẽ nhận ra hoạt động này và ưu tiên tài nguyên hệ thống cho nó. Nếu không, Windows sẽ đưa các ứng dụng đang mở mà không được sử dụng một cách tích cực, hay các tập tin hệ thống mà thường chạy không có sự tương tác của người dùng vào chế độ tiết kiệm năng lượng nhằm tiết kiệm pin – điều mà người dùng di động luôn mong muốn.

Tính năng giảm hiệu suất hiện chỉ hỗ trợ Intel Skylake và các bộ xử lý mới hơn. Microsoft cho biết tính năng này tới đây cũng sẽ hỗ trợ các dòng bộ xử lý khác.

Các tính năng triển khai thiết bị mới

Được công bố vào ngày 29/6/2017, Windows AutoPilot cho phép quản trị viên CNTT thiết lập các cấu hình hệ thống tùy chỉnh (bao gồm các ứng dụng đã cài đặt) được triển khai từ đám mây lên các máy tính và thiết bị khác chạy Windows 10 của tổ chức của họ. Một nhân viên có thể nối vào mạng nội bộ một máy tính mới tinh, bật lên và máy sẽ tự động được cấu hình theo các yêu cầu của tổ chức.

Fall Creators Update có thêm vài khả năng mới cho Windows AutoPilot: dịch vụ tự triển khai cho các thiết bị gia nhập Active Directory domain và tự động đăng ký trong Microsoft Intune, khả năng ấn định cấu hình hệ thống cho từng nhân viên, và cơ chế thiết lập lại cho các thiết bị Windows 10 đã được cấu hình qua AutoPilot.

Cài máy ảo từ tập tin ảnh đã lưu

Đối với những ai đang chạy Windows 10 Professional hay Enterprise và Hyper-V, Fall Creators Update cho phép dễ dàng cài máy ảo từ một tập tin .iso hay .vhd/.vhdx đã được lưu trong máy của họ. Từ Hyper-V Manager, chọn Action > Quick Create để mở ra cửa sổ Create Virtual Machine. Tại đó, nhấn vào nút “Local installation source” sẽ cho phép bạn nạp một ảnh máy ảo đã lưu trữ trong máy tính.

 

Nguồn Pcworld

Bình luận của bạn